Được cho là bàn đạp hay đòn bẩy để bắt đầu nhanh công việc kinh doanh từ vận việc “tận dụng” thương hiệu, danh tiếng của một đơn vị khác. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại không ít những băn khoăn và hoài nghi từ mô hình này. Bài viết ngắn gọn sau đây sẽ đưa thêm dữ kiện để bạn đọc có góc nhìn tốt hơn.
Nhượng quyền là gì?
Thông tin này trên internet rất nhiều rồi.
Hiểu một cách đơn giản nhất với mô hình này, là việc chúng ta trả tiền để được quyền sử dụng thương hiệu và kinh doanh sản phẩm dịch vụ của một đơn vị khác.
Đặc điểm, yêu cầu
– Bạn phải có mặt bằng ở vị trí đẹp, diện tích đủ rộng. Tọa lạc tại những ngã 3, ngã 4 ở những khu trung tâm, hay mặt tiền ở những tuyến phố vip.
– Chứng minh tiềm lực tài chính. Đủ để đối tác họ nhìn nhận bạn không phải người hay nói chơi hoặc không đủ năng lực rồi phải chừng chân giữa đường.
Đó là 2 yêu cầu đầu tiên, cũng tùy từng thương hiệu và đối tượng mà sẽ có những yêu cầu khác nhau. Như các brands như Milano, Napoli,… với những module quán nhỏ thì yêu cầu sẽ bớt gắt gao hơn.
Ưu điểm của mô hình nhượng quyền
– Đầu tiên phải kể tới, cái tên thương hiệu sẽ cho bạn sẵn một lượng khách ngay từ đầu. Bạn không cần phải PR, truyền thông một cách thiếu bài bản nếu mình chưa có thực lực và kinh nghiệm, cái “thương hiệu” mà bạn mua về đã có sẵn khách trong đó rồi.
– Được tư vấn tổng thể: từ setup không gian, quản trị, vận hành, bán hàng, nguyên vật liệu,… Mức độ ở mục này thì cũng tùy từng thương hiệu và chi phí nhượng quyền, mỗi đơn vị mỗi khác.
– Yên tâm về chất lượng. Bạn không phải đau đầu lo nghĩ xem sản phẩm của mình đã ngon hay chưa. Phù hợp với thị trường hay chưa. Bên nhượng quyền họ đã phải làm điều đó rất nhiều rồi mới đi bán nhượng quyền được. Cũng như việc nuôi dưỡng khách hàng để bạn có sẵn lượng khách khi “cùng sở hữu” thương hiệu đó.
– Phù hợp với những người khởi nghiệp khi chưa đủ tự tin về tài chính và kiến thức. Mua nhượng quyền cũng là một bước đi khá an toàn. Trong trường hợp này, chủ sở hữu chi nhánh sẽ học được một “cuốn sách giáo khoa” bằng thực tế trong vận hành.
Nhược điểm của mô hình nhượng quyền
– Ở một góc độ nào đó, bạn đang là ông bà chủ khi sở hữu một quán cà phê hoặc nhà hàng. Nhưng rõ nghĩa ra thì cũng không hẳn, vì đây là thương hiệu của người khác. Bạn không thể “vo tròn bóp méo” theo ý của bạn được.
Cũng tùy theo mô hình nhượng quyền toàn phần hay nhượng quyền một phần mà bạn được quyền tham gia điều chỉnh menu các món hay không.
– Chi phí nhượng quyền: gồm có chi phí ban đầu và chi phí duy trì (tùy từng thương hiệu).
Ngoài tất cả những chi phí của một mô hình thông thường, đây là cái giá để bạn được bán hàng của thương hiệu mà mình mua nhượng quyền.
Ưu điểm, thuận lợi thì đã đề cập ở phần trên. Nhưng đôi khi đây cũng chính là yếu tố ăn mòn hết lợi nhuận của bạn nếu phải trả chi phí duy trì hoặc buộc phải sử dụng nguyên vật liệu của thương hiệu nguồn.
Có nhiều người mua nhượng quyền rồi kinh doanh thành công. Cũng có nhiều người tự tạo thương hiệu riêng rồi thành công. Vậy thì mình có nên kinh doanh theo hướng mua nhượng quyền hay không?
Câu trả lời là: chẳng có câu trả lời đúng hay sai nào cả.
Dù bạn kinh doanh theo hướng nào, nếu thành công thì nó là đúng, còn thất bại thì nó là không đúng.
Nhưng ít nhất cũng có vài lưu ý sau đây trước khi quyết định là CÓ hay KHÔNG kinh doanh nhượng quyền:
1. Điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất, bạn phải hiểu rõ mô hình này.
– Các điều khoản, qui ước, ràng buộc.
– Các loại chi phí, các mức chi phí.
– Ưu điểm, nhược điểm của mô hình này.
– Cơ chế gia nhập và rút lui
2. Hiểu rõ chính bản thân bạn
– Năng lực, kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh đối với ngành nghề bạn theo đuổi: cà phê, trà sữa, nhà hàng…
– Năng lực tài chính: mua nhượng quyền an toàn hơn hay tự làm an toàn hơn.
3. Tìm hiểu kỹ và phân tích thị trường
– Tại thị trường của bạn, để bán được hàng thì có cần thiết đến một thương hiệu lớn hay chỉ cần một thương hiệu mới mà bạn tự tạo ra?
– Với mức độ cạnh tranh hiện tại, muốn lấn át thị trường thì có cần đến một thương hiệu mạnh để gia nhập hay chỉ cần một thương hiệu mà bạn tạo ra?
– Tại thị trường hiện tại, có cần đến một sản phẩm chất lượng mình sẽ mua nhượng quyền hay chỉ cần sản phẩm mà bạn tự tin làm ra?
– Từ điều số 2, bạn có thấy bản thân mình tự tin xông vào thị trường này hay cần phải ngồi lên vai một thương hiệu mạnh khác?
– Nếu bạn ở tỉnh, các thương hiệu lớn có đồng ý bán nhượng quyền ra ngoại thành hay về tỉnh lẻ không?
– Dự báo: trong vòng 1-2 năm tới, 3-5 năm tới, điều gì sẽ diễn ra? Thương hiệu mà bạn định mua còn hấp dẫn thị trường không? Sản phẩm mà bạn theo đuổi còn sống khỏe không? Nếu bạn tự kinh doanh trong 1-2 năm tới rồi thay đổi thì có sự đánh đổi gì không?
4. Làm rõ bài toán dòng tiền.
Lập P&L càng chi tiết, các khoản thu chi càng chi tiết càng tốt. Sau đó áp thêm các chi phí khi mua nhượng quyền. Rồi lập một bảng dòng tiền khác khi không mua nhượng quyền.
Tình hình lúc này có thể doanh thu nếu mua nhượng quyền sẽ đạt cao hơn. Nhưng đổi lại chi phí cũng cao hơn.
So sánh 2 bảng này lại với nhau, bạn sẽ hình dung được rõ hơn lợi thế thuộc về bên nào.
Nếu bạn không làm 3 bước bên trên thì làm bước 4 sẽ chẳng thấy lợi thế về bên nào đâu nhé.
5. Đánh giá và lựa chọn thương hiệu nếu mua nhượng quyền.
Nếu quyết định mua nhượng quyền thì đây là bước quan trọng tiếp theo. Bạn nên liệt kê tối thiểu 3 thương hiệu trước khi quyết định.
Cũng làm 4 bước bên trên đối với từng thương hiệu, bạn sẽ nhận thấy mình nên theo thương hiệu nào.
Thêm một lưu ý nữa ở bước này, đó là phong cách décor, phong cách làm việc của mỗi thương hiệu sẽ khác nhau. Bạn hãy theo bên nào bạn cảm thấy phù hợp nhất, vì đó sẽ là động lực giúp bạn vượt qua khó khăn.
Vì đọc đến đây là bạn chuẩn bị bước vào khó khăn rồi đấy. Chẳng có ai kinh doanh mà không bao giờ gặp phải khó khăn cả. Các bài viết trên báo mạng hầu hết nói về màu hồng, về những điều tốt đẹp, thì bài viết này hy vọng sẽ đưa bạn đọc đến nhiều góc nhìn hơn.
Tóm lại
Việc mua nhượng quyền thương hiệu để kinh doanh hay không, nó còn phụ thuộc và rất nhiều yếu tố. Và hơn hết là phụ thuộc vào nội lực của chính bạn. Tự bạn nên tìm hiểu kỹ và phân tích rồi quyết định. Chứ không có đúng sai gì ở đây cả.
Chúng các bạn may mắn & thành công!
Xem thêm: Tổng hợp các mẫu Thiết kế quán cà phê ấn tượng
—
#5GS